Khám phá cấu tạo và cơ chế hoạt động của đôi mắt con người
20/04/2022 Đăng bởi: Hà Thu
Mắt là một bộ phận tuy nhỏ bé nhưng lại vô cùng quan trọng đối với con người. Đây là cơ quan có chức năng quan sát, thu nhận hình ảnh, màu sắc của sự vật.
Vậy bạn có biết “cửa sổ tâm hồn” của chúng ta có cấu tạo và hoạt động như thế nào không? Hãy để chuyên trang giúp bạn giải đáp câu hỏi này qua bài viết dưới đây nhé.
Cấu tạo của mắt
Khi nhìn từ bên ngoài, đôi mắt con người trông khá đơn giản với các bộ phận như: Mí mắt, lông mi, tròng đen, tròng trắng,... Tuy nhiên, cấu tạo bên trong thực ra phức tạp hơn rất nhiều; vì vậy, mắt được chia ra làm 2 phần trước và sau.
Bán phần trước mắt
Kết cấu của mắt người ở phần trước rất tinh vi. Trong đó, những bộ phận chính như giác mạc, võng mạc và thủy tinh thể có nhiệm vụ thực hiện chức năng nhìn ngắm, quan sát của mắt.
Kết cấu của mắt người ở phần trước rất tinh vi
Giác mạc là một lớp màng trong suốt, rất dai và không có mạch máu. Cơ quan này có hình dạng chỏm cầu và chiếm khoảng chừng 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu. Giác mạc ở mắt người có 5 lớp là: lớp biểu mô, màng Bowmans, nhu mô, màng Descemet và cuối cùng là nội mô.
Ngoài ra, một cơ quan khác ở phần trước là mống mắt. Bộ phận này là vòng sắc tố bao quanh đồng tử và quyết định màu mắt. Nằm ngay trung tâm mống mắt là một lỗ nhỏ màu đen có tên gọi đồng tử(con ngươi). Đồng tử có thể co lại hoặc giãn ra tùy vào lượng ánh sáng chiếu vào mắt.
Thủy tinh thể là một bộ phận nằm phía sau mống mắt. Thủy tinh thể trong suốt, không màu giữ chức năng như một thấu kính hội tụ cho phép ánh sáng đi xuyên qua; đồng thời, tập trung các tia sáng vào đúng võng mạc để tạo nên hình ảnh rõ nét, giúp con người có thể nhìn xa hoặc gần.
Bán phần sau mắt
Tương tự như phần trước, phần sau mắt người cũng có cấu tạo không kém phần phức tạp và tinh vi. Đây là nơi bao gồm các bộ phận như dịch kính, dây thần kinh hay hoàng điểm.
Bán phần sau là nơi bao gồm các bộ phận như dịch kính, dây thần kinh hay hoàng điểm
Dịch kính được hiểu là một chất dạng gel trong suốt, lấp đầy phần nhãn cầu phía sau thuỷ tinh thể. Khối dịch kính này có thể tích chiếm khoảng 2/3 nhãn cầu mắt người.
Phần sau mắt cũng chính là vị trí của dây thần kinh thị giác. Bộ phận tập hợp các sợi thần kinh ở mắt giữ nhiệm vụ dẫn truyền tín hiệu nhận được ở võng mạc. Điều này giúp ta nhận biết ánh sáng, màu sắc, hình ảnh,...
Bên cạnh đó, mạch máu võng mạc gồm có động mạch và tĩnh mạch ở trung tâm võng mạc có chức năng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để cung cấp cho mắt.
Hoàng điểm là một bộ phận của võng mạc nằm phía sau mắt. Mặc dù chỉ rộng khoảng 5mm, nhưng cơ quan này giữ chức năng thị lực trung tâm, giúp chúng ta nhận biết được màu sắc và chi tiết hình ảnh một cách rõ ràng.
Cơ chế hoạt động
Để hiểu được cách mắt hoạt động, bạn hãy tưởng tượng đến chiếc máy ảnh. Khi chụp ảnh, ánh sáng phản xạ từ vật đó sẽ khúc xạ qua hệ thống thấu kính, sau đó hội tụ ở phim. Cuối cùng, qua quá trình rửa ảnh, ta sẽ nhìn thấy được những bức hình hoàn chỉnh.
Mắt người có cơ chế hoạt động khá giống máy ảnh
Tương tự như trên, ánh sáng bên ngoài chiếu vào mắt, được khúc xạ qua hệ thống thấu kính(gồm giác mạc và thủy tinh thể), sau đó hội tụ ngay trên võng mạc.
Tín hiệu ánh sáng nhận được tại đây sẽ được những tế bào cảm thụ ánh sáng chuyển đổi thành tín hiệu thần kinh và đưa vào não.
Trên đây là thông tin về cấu tạo và cách hoạt động của mắt người. Hy vọng rằng bạn đã có được nhiều kiến thức bổ ích qua bài viết trên của chuyên trang.
Theo: matsaigon.com
4.8/5 (71 votes)