Lễ hội Phài Lừa: Nét độc đáo văn hóa người dân Bình Gia
12/07/2025
Đăng bởi: Hà Thu
Lễ hội Phài Lừa được người dân Bình Gia tỉnh Lạng Sơn tổ chức với mục đích tưởng nhớ truyền thuyết sông nước. Qua đó thể hiện sự đoàn kết cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Nằm phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn được biết đến với vùng đất có nhiều sự kiện đa dạng. Thể hiện phong tục, tín ngưỡng của đồng bào Tày, Nùng, Dao... Đặc biệt nhất phải kể tới là hội Phài Lừa với nhiều điều thú vị, độc đáo.
Lễ hội Phài Lừa được tổ chức khi nào?
Lễ hội Phài Lừa gắn liền với truyền thuyết sông nước của người dân xã Hồng Phong huyện Bình Gia tỉnh Lạng Sơn. Được tổ chức 3 năm 1 lần ngày 4/4 năm nhuận tại đình Ông phố Văn Mịch và đình Bà thôn Pò Kù.
Lễ hội Phài Lừa thu hút đông đảo người dân tham gia
Đến với sự kiện, khách du lịch có cơ hội thưởng thức màn biểu diễn văn nghệ đặc sắc, phần thi trò chơi dân gian như bơi, đua bè, lăn... Ngoài ra, bạn còn có cơ hội hồi tưởng những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc của cộng đồng.
Hội Phài Lừa có nhiều nghi thức độc đáo
Nếu đồng bào Ê đê có lễ hội Đâm Trâu, Kinh có hội Lim thì người Tày, Nùng ở Bình Gia lại nổi tiếng với cuộc vui mang tên Phài Lừa. Hoạt động kết hợp phần thi dân dã với nghi thức trang nghiêm tạo nét độc đáo riêng cho lễ hội.
Nghi thức rước bát hương cúng Thần Rắn
Để tổ chức sự kiện, từ đầu tháng 3 trưởng họ Đỗ, Vy, Nông họp bàn thống nhất công tác chuẩn bị. Ban nghi thức gồm 1 pú mo, một pú hội, ba pú đinh thực hiện lễ tế tại đền Ông, Bà. Ngoài ra, còn có 4-6 trai đinh bê rước bát hương, cầm cờ, khênh kiệu và 12-16 người trong đội sư tử.
Khi bắt đầu, cư dân ven sông Văn Mịch tập trung ở đình Ông. Nơi đây được lập bàn thờ trên kiệu có biểu tượng rắn với thịt gà, lợn, xôi, rượu.. Thầy cúng chủ trì lễ tế mời Thần Rắn về dự hội. Cầu mong sức khỏe, bình an, chăn nuôi, nông nghiệp đạt kết quả cao.
Nghi thức rước kiệu xuất phát từ đền ông tới miếu Thổ Công rồi đi quanh chợ và phố Văn Mịch. Mỗi nhà trên tuyến đường này đều chuẩn bị mâm cỗ chay chào đón thần với ước muốn tài lộc, hạnh phúc và may mắn đến với gia đình.
Phần thi chèo bè trong khuôn khổ lễ hội Phài Lừa
Các trò chơi truyền thống trong lễ hội Phài Lừa
Sau khi hoàn tất lễ tế các thanh niên trai tráng đại diện địa phương tranh tài những môn thi truyền thống. Những trò chơi thường có gồm:
● Thi chèo bè(Phài Lừa): gồm 3 đội thi tranh tài trên khúc sông dài trên 1000m. Các tay chèo không được đứng, ngồi hay chống tay trên bè mà phải quỳ. Bè nào về đích trước dành chiến thắng.
● Thi lặn bắt chân vịt, bơi sải: gồm ba vòng đua với 9 đội tham gia.
● Thi múa sư tử tượng trưng cho sức mạnh, sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và thuận lợi.
● Từng tốp nam nữ tập trung ven bờ sông xung quanh khu vực hội thi hát Sli với nhau. Đây là dịp để họ kết bạn, tìm hiểu nhau, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết trong bản.
Cuối cùng, pú mo cùng đại diện 3 họ Đỗ, Vy, Nông tiến hành rước bát hương về đình Ông, đình Bà báo cáo kết quả lễ hội. Tiễn Thần Rắn về sau đó bế mạc sự kiện bằng tiết mục múa của đội sư tử.
Tổng kết
Xuất phát từ truyền thuyết dân gian, hoạt động được tổ chức với ý nghĩa đón Thần Rắn về thăm dân làng. Thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức những người có công với bản. Đồng thời phản ánh tâm tư tình cảm mong ước về cuộc sống tốt đẹp đến cho mọi nhà.
Mong rằng bài viết sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về lễ hội Phài Lừa. Theo dõi web để nhận nhiều thông tin thú vị khác bạn nhé!
Theo Vinpearl.com
4.9/5 (15 votes)