Lễ hội Puh Hơ Drih: Nét đẹp của người Ba Na ở Kon Tum
20/07/2025
Đăng bởi: Hà Thu
Lễ hội Puh Hơ Drih được đồng bào Ba Na ở Kon Tum tổ chức nhằm xua đuổi những điều xấu xa, cầu mong may mắn và bình an đến với mọi nhà.
Dân tộc Ba Na được biết đến với đời sống văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Được thể hiện qua nhiều phương diện từ ngôn ngữ, trang phục, hoạt động sản xuất sinh hoạt hằng ngày đến các lễ hội. Tiêu biểu trong số đó là Puh Hơ Drih với nhiều điều đặc sắc, thú vị.
Tổng quan về lễ hội Puh Hơ Drih
Theo các bậc cao niên lễ hội Puh Hơ Drih đã có từ lâu đời. Gắn liền với câu chuyện đại dịch hoành hành gây cái chết thương tâm cho nhiều người dân vô tội.
Lễ hội Puh Hơ Drih của người Ba Na thu hút đông đảo người dân tham gia
Người Ba Na tin rằng thế lực ma quỷ đã gieo rắc tai họa cho dân bản, vì thế, họ hiến tế cho thần linh một con dê mong xua tan điều xui xẻo ra khỏi làng. Sự kiện từ đó trở thành truyền thống của bà con nơi đây với tên gọi khác là lễ cầu an.
Hoạt động thể hiện tinh thần quyết tâm đoàn kết bảo vệ bản làng trước sự quấy phá của ma quỷ. Qua đó, loại bỏ điềm gở, tai ương cầu mong cả bản bình yên, mùa màng đạt năng suất.
Tuy nhiên, với xã hội hiện đại, trải qua quá trình học tập, người ta không còn quá tin chuyện tai họa do ma quỷ gây ra nữa. Do vậy, họ tổ chức ngày vui này vài năm 1 lần để cầu may mắn và bình an.
Hội Puh Hơ Drih được tổ chức như thế nào?
Tùy thuộc vào lịch nông vụ mà cộng đồng Ba Na chọn thời gian diễn ra hoạt động. Thường từ tháng 11 đến 12 dương lịch, sau khi đã thu hoạch mùa màng xong xuôi, các bô lão sẽ họp bàn thời gian tổ chức lễ hội và mức đóng góp của mỗi gia đình.
Với người dân Ba Na, dê là con linh thiêng nên sẽ được chọn làm lễ vật. Ngoài ra, họ còn dùng gà, lợn, trâu bò để ăn lễ tùy theo năng suất mùa vụ. Khi công tác chuẩn bị hoàn tất, dân bản cùng nô nức tổ chức hội cầu an với nhiều hoạt động hấp dẫn,
Các nghi thức truyền thống trong lễ Puh Hơ Drih
Các nam thanh niên có nhiệm vụ làm bốn hình nộm từ gỗ, rơm rạ, tre nứa trước khi diễn ra sự kiện. Mỗi hình, đều có thân thể đồ sộ, gương mặt đáng sợ được đặt trước sân nhà rông để hù dọa ma quỷ. Cùng lúc đó, phụ nữ trong làng cùng nhau dọn đường, cắt gọn cây cỏ và nấu món đặc sản để thưởng thức lễ.
Ngày lễ hội được tổ chức, từ sáng sớm mọi người mặc trang phục chỉnh chu, tụ tập trước sân nhà rông. Già làng chủ trì đại diện lấy máu của các vật tế dâng lên cúng thần. Tiếp đến, đọc bài khấn trời đất, thần linh phù hộ dân bản được bình an, hạnh phúc.
Dân làng chu đáo chuẩn bị lễ vật trong hội Puh Hơ Drih
Chủ tế đi giữa 2 bên hai thanh niên khỏe mạnh đeo mặt nạ, tay cầm giáo múa theo lời khấn. Phía sau có hai thiếu nữ ngoan ngoãn, xinh đẹp nhất làng cầm lá đót vừa đi vừa quét để xua đuổi điều xấu ra khỏi bản.
Tiếp đến là điệu xoang rộn rã của đội cồng chiêng. Dân bản đi sau cùng cầu khấn những điều tốt đẹp sẽ tới với mình và gia đình. Họ sẽ đồng thanh hô “đuổi nó đi” mỗi khi già làng hú gọi.
Đoàn lễ diễu hành từ nhà rông đi qua mọi ngả đường tới cuối làng. Lúc này, chủ tế chôn hình nộm xuống đất. Xuyên suốt thời gian làm lễ, ánh mắt ông luôn thể hiện sự hung dữ, mỗi tiếng hú thật vang vọng, uy nghiêm thể hiện quyết tâm tiêu diệt điều xấu xa.
Hoạt động đặc sắc trong phần hội Puh Hơ Drih
Khi hoàn tất phần lễ, mọi người cùng tham gia chơi hội với những ché rượu cần được đặt giữa sân nhà rông. Bên cạnh đó còn có món ăn truyền thống được các chị các mẹ chuẩn bị từ trước như cơm lam, gỏi, lợn rừng...
Như vậy, không chỉ là hoạt động tâm linh sự kiện còn thể hiện tinh thần gắn bó, đoàn kết của tộc người Ba Na. Tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Qua đó nâng cao lòng tự hào tự tôn, gìn giữ phát huy bản sắc dân tộc trong thời đại mới.
Mong rằng bài viết đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về lễ hội Puh Hơ Drih. Theo dõi web để cập nhật nhiều thông tin khác bạn nhé!
Theo Mia.vn
4.9/5 (19 votes)