Bảng cân đối kế toán là gì? Ý nghĩa của bảng cân đối kế toán
06/08/2021
Đăng bởi: Hà Thu
Bảng cân đối kế toán giúp các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp theo dõi được tình hình của công ty để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đây là một công việc rất quen thuộc với các kế toán viên. Tuy nhiên, ngoài việc thành thạo, bạn còn cần phải hiểu hết các ý nghĩa, yếu tố có mặt trong bảng cân đối này. Cụ thể thế nào, hãy cùng khám phá thông qua những kiến thức dưới đây bạn nhé!
Định nghĩa về bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán là một bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nó tóm tắt ngắn gọn về tình hình kinh doanh cũng như những khoản nợ ở một thời điểm nhất định.
Bảng cân đối kế toán giúp các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp theo dõi được tình hình của công ty để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp
Đối với biểu mẫu bảng cân đối kế toán này, bạn không thể tự ý thay đổi được vì nó phải được lập theo mẫu dành cho doanh nghiệp được Bộ Tài chính quy định.
Một bảng cân đối kế toán phải thể hiện được: tài sản cố định(bao gồm tài sản hữu hình và vô hình), tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, dài hạn và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Bảng cân đối kế toán có ý nghĩa như thế nào?
Mọi tài sản được nhắc đến trong bảng cân đối kế toán đều phải được tài trợ bằng một nguồn nào đó như: vốn chủ sở hữu hoặc vốn nợ. Chúng đều có ý nghĩa riêng biệt cả về mặt kinh tế lẫn pháp lý, cụ thể:
Toàn bộ tài sản được nhắc đến trong bảng cân đối kế toán đều có ý nghĩa riêng biệt cả về mặt kinh tế lẫn pháp lý
Về phần tài sản
- Ý nghĩa về pháp lý: Phản ánh giá trị của tất cả tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp ở thời điểm lập báo cáo.
- Ý nghĩa kinh tế: Phản ánh quy mô, kế toán các loại tài sản, vốn hiện có tại thời điểm doanh nghiệp lập báo cáo. Nó tồn tại dưới hình thái vật chất, phi vật chất như: vốn bằng tiền, hàng tồn kho, các khoản phải thu,...
Về nguồn vốn
- Ý nghĩa pháp lý: Phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản hiện có tại thời điểm doanh nghiệp báo cáo. Nhờ đó, bạn có thể biết được công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý với các khoản nợ nào. Đồng thời, các chủ nợ cũng biết được giới hạn của chủ sở hữu đối với các khoản nợ đó.
- Ý nghĩa kinh tế: Phản ánh quy mô, cơ cấu các nguồn vốn được đầu tư, huy động vào việc sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Nhờ vậy, bạn có thể đánh giá một cách khái quát mức độ tự chủ về tài chính, khả năng rủi ro của doanh nghiệp.
Phân tích ý nghĩa của các yếu tố có trong bảng cân đối kế toán
Những thông tin dưới đây sẽ giải thích ý nghĩa của các yếu tố có trong bảng cân đối kế toán doanh nghiệp, hãy cùng tìm hiểu bạn nhé!
Tài sản ngắn hạn là yếu tố thể hiện tổng giá trị tiền, khoản tương đương tiền và tài sản ngắn hạn chuyển đổi được thành tiền
Tài sản ngắn hạn
Đây là yếu tố thể hiện tổng giá trị tiền, khoản tương đương tiền và tài sản ngắn hạn chuyển đổi được thành tiền. Chúng có thể bán hoặc sử dụng trong vòng dưới 12 tháng, 1 chu kỳ kinh doanh bình thường tại thời điểm doanh nghiệp báo cáo.
Tài sản dài hạn
Đây là các tài sản tại thời điểm báo cáo có thời hạn thu hồi hoặc dùng trên 12 tháng. Nó có thể là tài sản cố định, các khoản thu dài hạn, đầu tư tài chính dài hạn,... Yếu tố này thể hiện giá trị các loại tài sản không được phản ánh trong tài sản ngắn hạn.
Tổng hợp tài sản
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị tài sản hiện có tại thời điểm doanh nghiệp báo cáo. Yếu tố này bao gồm: tài sản dài hạn và ngắn hạn.
Nợ ngắn hạn
Phản ánh tổng giá trị các khoản nợ của doanh nghiệp phải trả có thời hạn thanh toán dưới 1 chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường hoặc không quá 12 tháng.
Nợ dài hạn
Là tổng giá trị những khoản nợ dài hạn gồm: các khoản nợ có thời hạn thanh toán còn lại trên 1 chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường hoặc từ 12 tháng trở lên tại thời điểm báo cáo.
Nợ dài hạn là các khoản phải trả người bán, vay và nợ thuê tài chính dài hạn, trả nội bộ, khoản dài hạn phải trả khác,... tại thời điểm báo cáo kế toán
Đây là các khoản phải trả người bán, vay và nợ thuê tài chính dài hạn, trả nội bộ, khoản dài hạn phải trả khác,... tại thời điểm báo cáo kế toán.
Nợ phải trả
Phản ánh toàn bố số nợ doanh nghiệp phải trả tại thời điểm báo cáo. Nó bao gồm tổng nợ ngắn hạn và cả dài hạn.
Vốn của chủ sở hữu
Phản ánh toàn bộ vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm báo cáo. Yếu tố này bao gồm vốn chủ sở hữu và các nguồn chi phí khác.
Đồng thời, nó cũng phản ánh những khoản vốn kinh doanh của sở đông, thành viên góp vốn. Trong đó bao gồm: các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế, vốn đầu tư của chủ sở hữu,...
Các nguồn chi phí khác
Phản ánh tổng số kinh phí sự nghiệp, dự án được cấp để chi tiêu cho hoạt động đó và nguồn kinh phí đã hình thành nên tài sản cố định ở thời điểm báo cáo.
Tổng cộng nguồn vốn
Yếu tố này phản ánh tổng số các nguồn vốn hình thành nên tài sản ở thời điểm doanh nghiệp báo cáo. Tổng cộng nguồn vốn gồm có vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.
Theo Mifi.vn
4.9/5 (101 votes)