Hướng dẫn doanh nghiệp thủ tục giải thể chi tiết nhất
08/12/2020 Đăng bởi: Hà Thu
Theo Điều 201 Luật doanh nghiệp 2014 đã quy định rất rõ về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp. Vậy các thủ tục giải thể chi tiết như thế nào? Cùng đọc những thông tin hữu ích dưới đây để nắm rõ quy trình giải thể đầy đủ, theo đúng pháp luật.
Khi nào doanh nghiệp nên làm thủ tục giải thể?
Đầu tiên, ta cần hiểu giải thể doanh nghiệp là gì? Giải thể doanh nghiệp là chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động kinh doanh, coi như chưa từng tồn tại. Công ty sẽ bị thu hồi lại mã số thuế và không được thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác.
Thêm vào đó, theo Điều 201 Luật doanh nghiệp 2014 đã nêu rõ những trường hợp giải thể như sau:
- Doanh nghiệp kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi rõ tại Điều lệ công ty nhưng không có quyết định gia hạn.
- Giải thể do quyết định của người đứng đầu doanh nghiệp hoặc hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông.
- Công ty không đủ thành viên tối thiểu theo quy định trong 6 tháng liên tục và không làm thủ tục chuyển đổi loại hình.
- Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký.
Trường hợp giải thể doanh nghiệp được quy định tại Điều 201 Luật doanh nghiệp 2014
Hướng dẫn thủ tục giải thể đầy đủ cho doanh nghiệp
Sau đây là hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp làm thủ tục giải thể. Quy trình bao gồm 6 bước như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp làm thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh
Thứ nhất, doanh nghiệp cần làm thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Thủ tục chấm dứt tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt các địa điểm trên.
Bước 2: Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp
Công ty cần tổ chức một cuộc họp đầy đủ các ban lãnh đạo và thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp. Quyết định này phải bao gồm các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp.
- Lý do doanh nghiệp giải thể.
- Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và các khoản nợ của doanh nghiệp.
- Hướng xử lý nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng lao động.
- Họ và tên, chữ ký của người đại diện doanh nghiệp theo pháp luật.
Bước 3: Tổ chức thanh lý tài sản và các khoản nợ
Doanh nghiệp cần tổ chức thanh lý tài sản và các khoản nợ theo thứ tự dưới đây:
- Các khoản nợ lương, trợ cấp nghỉ việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và những quyền lợi khác của người lao động.
- Nợ thuế.
- Các khoản nợ khác.
Bước 4: Gửi thông báo giải thể đến Phòng đăng ký kinh doanh
Sau khi ban lãnh đạo công ty đã thông qua quyết định giải thể, doanh nghiệp cần gửi thông báo giải thể đến Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 7 ngày. Đi kèm cùng thông báo là Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản cuộc họp của ban lãnh đạo.
Mẫu thông báo về việc doanh nghiệp giải thể
Bước 5: Nộp hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 203 Luật Doanh nghiệp năm 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ gửi hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời gian 5 ngày làm việc, tính từ ngày doanh nghiệp thanh toán hết các khoản nợ
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ:
- Thông báo về giải thể doanh nghiệp.
- Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp.
- Con dấu của doanh nghiệp và giấy chứng nhận mẫu dấu nếu có.
- Giấy chứng nhận đăng ký của doanh nghiệp.
Bước 6: Cập nhật thông tin lên Cơ sở dữ liệu quốc gia
Điều 59 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong 5 ngày nếu doanh nghiệp giải thể bằng hồ sơ.
Trên đây là những thông tin hữu ích về thủ tục giải thể doanh nghiệp. Tin rằng bạn đã không lãng phí thời gian khi đọc bài viết này.
Theo Lsx.vn
4.9/5 (109 votes)